Friday, December 24, 2010

Giải Phóng

 
Em trót sinh ra sau ngày "giải phóng"
Và lớn lên khi đất nước "thanh bình"
Nhưng cuộc đời sao vất vả điêu linh
Mẹ buôn gánh bán bưng nuôi con dại

Em đi học, qua đồng khô cỏ cháy
Trời quê hương bàng bạc áng mây buồn
Đường chiều về leo lét ánh tà buông:
- "Con đói quá, mẹ ơi trời sắp tối!"

Sáng đi học bụng em còn thấy đói
Cô dạy em phải yêu kính "bác" Hồ
Em hỏi: - " 'bác' là ai vậy, hở Cô?"
Cô bảo: -"Nhờ 'bác', đảng ta 'CHIẾN THẮNG '!"

Em không hiểu, nhưng cúi đầu im lặng
Mà trong lòng thắc mắc mãi không thôi
"CHIẾN THẮNG" gì? Sao khổ qúa đời tôi,
Nhà, họ lấy, phải đi vùng kinh tế!
 
Ba mươi năm, lớn lên đời vẫn thế
Trời quê hương còn đó áng mây buồn
Vẫn từng ngày, vẫn kiếp sống đau thương
Em thay mẹ:  Đời bán bưng buôn gánh!
 
Em tự hỏi nếu đảng không "CHIẾN THẮNG"
Nước Việt Nam có chậm tiến thế nầy?
Người dân hiền đâu ngậm đắng nuốt cay
Bị "xuất khẩu" sang xứ người lao dịch!

Em thầm hỏi: "Ai đây là kẻ địch?"
Mỹ, Ngụy, bác Hồ, hay cộng đảng ta? 
Ngụy bây giờ là khúc ruột phương xa Mỹthầy, là ân nhân kinh tế!

Nước Việt thụt lùi bao thế hệ
Từ môi sinh cho đến đạo làm người:
Chính phủ chỉ là một lũ đười ươi
Bọn ích kỷ, phường buôn dân bán nước!

Xã hội xuống dốc nhanh không tưởng được
Quan bạo tàn, tham nhũng đến vô lương
Chuyên hối lộ, cướp nhà, chiếm hết ruộng nương
Dân thấp cổ kêu trời cao chẳng thấu!

Đảng của "bác" biến nước ta lạc hậu
Dân Việt Nam nghèo nhất cõi năm châu
Những huy hoàng ngày cũ nay còn đâu
Phụ nữ Việt bán thân ngoài muôn dặm!

Ôi tổ quốc, ôi quê hương nhung gấm
Hỡi địa linh, nhân kiệt hãy vùng lên!
Giành TỰ DO, DÂN CHỦ với NHÂN QUYỀN
Quyết đập đổ NỘI THÙ: phường cộng sản

Hết cộng nô, trời Việt Nam lại sáng
Đàn con Hồng cháu Lạc đứng cao lên
Xây đấp non sông, bờ cõi vững bền
Đó là lúc toàn dân ta CHIẾN THẮNG!

Hương Sài-Gòn


TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN

1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn chơi
“Hiện sinh - buồn nôn - phi lý!!!”

Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.

Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc

Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
Tội nghiệp nhưng đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc

Sài Gòn của tôi - của chúng ta.
Có tiếng cười
Và tiếng khóc

3.

Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hy sinh…

4.

Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch

Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh, ti-vi, cassette, radio…

Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn “khôn & dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.

Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.

Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thưở
Để yên cho xương rồng, gai góc
Chân thật nở hoa

Này đây!
Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở

Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào “thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một thiên đường
Ai bây giờ
Sẽ
Tạ lỗi
Với Trường Sơn?

Đỗ Trung Quân (1982)

Thursday, December 23, 2010

Thư trả lời .


Thân mến gởi về anh Trang Y Hạ
Đọc thơ anh do anh Hòa chuyển tiếp
Cho bạn bè cho đồng đội gần xa
Mỗi giòng thơ là một nỗi thiết tha
Tim rướm máu nhìn Quốc gia lâm tử
Anh trọng thương đối đầu bầy thú dử
Đội lốt người lòng dả thú gian manh
Thích thịt tươi ghiền máu tanh đồng loại
Rời bệnh viện người chiến bại anh hùng
Đẹp tuyệt vời chị vợ thật tiết trung
Cỏng anh đi qua rừng đời nghiệt ngả
Tình yêu đó là biễn cả mênh mông
Tôi đang khóc lòng khẫn nguyện cầu mong
Cho nhân loại khắc sâu tình chồng vợ
Tấm gương đó xin ghi vào sách vở
 ( Nữ anh hùng người nội trợ tài ba... )
Anh không chân tay làm tốt việc nhà
Nấu rượu ,nuôi cá , trồng hoa , đầu bếp
Hôm nay đọc thơ anh trên  trang net
Anh trách tôi sao biền biệt ra đi
Ba mươi lăm năm làm được những gì
Tôi xin nói ,từ ngày lên đất Mỹ
Mang hoài bão sẽ  huy phong hoán vũ
Mượn roi thần xoay vũ trụ càn khôn
Lâý biễn đất , cho Giang sơn nên một
Để cùng anh vớt cá chốt nấu canh chua
Uống ruợu  đầu vòi anh vừa mới cất .
Nhưng anh ơi !
Ba mươi lăm năm mang nỗi buồn chất ngất
Làm được gì nhìn Tổ quốc lâm nguy
Giặc Tàu cọng dùng  sức mạnh thị uy
Ðảng dâng biễn bán đất chỉ vì quyền lợi
Anh cũng biết bây giờ mình có tuổi
Lực bất tòng tâm , chỉ biết đợi  chờ
Cho con mình cháu nội ngoại phục hưng
Anh chờ đó ngày thống nhất trùng phùng
Tôi sẽ cỏng anh  đi khắp cùng Nam Bắc.
 Phương Lâm Ngôn Nguyễn .

Tâm Sự Người Thương Binh


Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối ! Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày " Giải phóng Miền nam "
Vợ tao " Ẵm " tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời " Quân-Y-Viện "

Trong lòng tao chết điếng,
Thấy người lính Miền bắc mang khẩu súng AK !
Súng " Trung cộng " hay súng của " Nga " ?
Lúc này tao đâu cần chi để biết.
Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do Miền nam
-Nước Việt,
Mang chữ " NGỤY " thương binh.
Nên " Người anh,em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình...!

Mày biết không !
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay !
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gío lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao,một thằng lính què !

Tao đóng hai cái ghế thấp,nhỏ bằng tre,
Làm "Đôi chân" ngày ngày đi lại
Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "Thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần !
Lên liếp trồng rau,thân tàn tao làm nốt.
Phụ vợ đào ao sau vườn,rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gío sương...

Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "Buồn khóc"!
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng !

Lâu lắm, tao nhớ mầy qúa chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi Cải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi !

Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!
Còn "Yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết !
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !

Trang Y Hạ



Wednesday, December 22, 2010

Biệt Kích Vô Danh ( Dòng Thơ Lịch Sử )


Ngoài câu thơ bất hủ:

“An Lộc Ðịa sử ghi chiến tích

Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”


Mà cô giáo Pha để lại trên tấm bia trước nghĩa trang Biệt Cách 81 Dù tại An Lộc còn có một bài thơ khác của cô viết tặng cho binh chủng kiêu hùng này của QLVNCH.
Anh Biệt Kích hề ngàn xưa bất hứa
Em thục nữ hề trong trắng ngoài xinh
Ta quen nhau hề Lý Bạch lưu linh
Khi chợt tỉnh hề khối tình trong mộng

Em chỉ muốn hề thương chàng qua bóng
Ðể rồi mơ hề rồi mộng rồi mơ
Biệt Kích ơi hề tâm ý thành thơ
Xin gửi đó hề chừ thương nhớ mãi.”

Cô Giáo Pha
Bài thơ dưới đây của một người lính Biệt Kích vô danh. Anh là một hạ sĩ trẻ của biệt-đội I. Tháng 1/75 nhảy vào Phước Long. Bị thương và bị bắt. Trong giờ phút cuối cùng của đời người, anh đã cố viết được một bài thơ rất cảm động với mong muốn gửi tặng cô giáo Pha.

Anh ấy đã chết sau đó 8 ngày và bài thơ đã được giao lại cho một người bạn đồng cảnh ngộ. Và anh bạn ấy đã học thuộc lòng mang tới vùng đất Tự Do từ lao tù CS. Tựa bài thơ đó là “Gửi Em Cô Gái Bình Long.”

Thơ rằng:

“Nhớ theo Hổ Xám vào An Lộc
Ðội pháo trên đầu như đội mưa
Múa kiếm đứng ngăn thù cửa Bắc
Mà tưởng mình là Nguyễn Huệ xưa.


Trong tiếng đạn reo mù khói trận
Bỗng gặp em, cô giáo như mơ
Em ngồi rũ tóc trong hầm tối
Ðọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ”.


“Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Chúa ơi, Biệt Kích là thi sĩ
Thi sĩ cầm gươm như đi chơi”.


“An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”
Lời thơ hôm ấy sao hay quá
Nghĩa trang buồn như tiếng lá rơi.


Pha hỡi, bây chừ em đâu nhỉ?
Cô giáo hôm xưa đã lấy chồng?
Chúc em hạnh phúc răng long bạc
Còn anh hôm nay vào Phước Long.


Anh theo quân vào nơi hiểm địa
Hét tiếng xung phong đến vỡ trời
Bắn cháy xe tăng như uống rượu
Mà tưởng em đang rót chén mời.


Bóng địch chập chùng nơi cửa ngõ

Ba trăm quân đánh một sư đoàn
Mãnh hổ nan địch quần hồ bại
Anh thối binh về mà thấy oan.


Nửa chừng lại gặp cơn bão lửa
Toán Delta bị kích giữa đàng
Ôi lại Phước Long lưu chiến tích
Anh bị trúng đạn giữa rừng hoang.


Và chừ giờ đang ngồi bó gối

Tay xích chân xiềng trong trại giam
Máu bụng vẫn tuôn ra như suối
Anh biết mình thôi thế là tan.


Nhưng giây phút cuối anh vẫn nhớ

Màu áo hoa dù nón mũ xanh
Nhớ dáng em xưa cô giáo nhỏ
Họa bút thành thơ như tiếng oanh.


“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Sá gì một cõi đi về đất
Biệt Cách lưu danh, Biệt Kích đời.”


Biệt Kích Vô Danh



Nguyễn Toàn, Anh Chị Cô Giáo Pha và Phạm Hòa

Monday, December 20, 2010

Hư vô và vĩnh viễn





Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
 

Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh


Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
 

Lạc trời cao kết tụ bóng không thành


Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
 

Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình


Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
 

Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn


Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
 

Để bây giờ em có biết nơi đâu


Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không

Thơ Bùi Giáng




Friday, December 10, 2010

HỊCH TRUYỀN TỪ TỔ QUỐC


(Kỷ niệm Một Ngàn Năm Thăng Long)

Ông Cha ta vạch kiếm chỉ lòng sông
Chân vững thạch, tay chống Trời ngạo nghễ.
Chí đại bàng vượt muôn ngàn sóng bể
Thách trùng dương, đi mở rộng cõi bờ.
Hải đảo xa xôi thêm máu dựng cờ
Rồng tung cánh rợp Trời Nam hiển hách.
Vó ngựa Hung Nô bao lần quét sạch
Chặn xâm lăng qua khí phách kiêu hùng.
Mấy nghìn năm sâu rễ bách tùng
Gươm chém đá – đá mòn, gươm vẫn sắc.
Gốc tre thiêng làm kinh hoàng phương Bắc
Cọc Đằng Giang xuyên thủng mộng quân thù.
Từ Diên Hồng cho đến chốn thảo lư
Lời Tâm Nguyện chung lòng lo giữ Nước.
Bành tượng uy linh chắn ngang bạo ngược
Đống Đa mồ, bia sử sáng nghìn năm.
Dù phong ba theo mệnh Nước thăng trầm
Luôn giữ vững từng dòng sông, đỉnh núi.
Từ Ải Nam Quan đến Cà Mau đất mũi
Là của Ta, xuyên suốt ba miền.
Từ dảy Trường Sơn ôm ấp khí hùng thiêng
Thân đại thụ cũng nguyên lòng chung dạ.
Tất cả ! Tất cả !
Dù là máu xương
Khô cằn sỏi đá.
Dù là hướng dương
Hoa hồng tám ngã
Đều là của Ta !
Không ai có quyền đem máu của Ông Cha
Đi dâng hiến, vết nhơ nhòe trang sử !
Lũ tội đồ khom lưng cống sứ
Làm ô danh, tủi nhục giống Rồng Tiên.
Bọn Bắc Phương luôn ôm mộng bá quyền
Tay thu tóm, cười ngả nghiêng đón nhận.
Lời Hịch Truyền hôm nay đầy uất hận
Từ Cha Ông, từ Sông Núi nghìn thu.
Dòng máu thiêng từ rừng rú thâm u,
Nơi hải đảo, kinh thành hay xóm vắng.
Kiếp lưu vong, đời tha phương trĩu nặng
Hay đọa đày trên mảnh đất quê hương.
Hãy thét vang, cùng truy diệt bạo cường
Đang chễm chệ ngồi buôn Dân bán Nước.
Toàn Dân Ta kẻ sau người trước
Không cúi đầu khiếp nhược khoanh tay.
Ta làm Chủ đất này
Ai được quyền mua bán ?
Lãnh thổ thiêng liêng nghìn năm chói rạng
Là của Toàn Dân !
Dù bể dâu biến đổi phong trần
Ta vẫn đứng trên bờ dâu bể !
Ải Nam Quan còn sôi huyết lệ
Bản Giốc dòng khóc hận đêm thâu.
Đảo Hoàng Sa ngơ ngác tủi sầu
Thay đổi chủ, sóng đen màu uất nghẹn.
Đất Nước Ta toàn vẹn
Nào ai dám cắt chia ?
Sao giờ đây thịt xẻ xương lìa
Giang sơn đầy vết máu ?
Đảng vong nô, một phường thảo khấu
Lấy máu dân tô thắm màu cờ.
Làm nhục Cha Ông, dâng hiến cõi bờ
Rồi ngất ngưởng nơi Ba Đình chuốc rượu !
Dân Tộc Ta mấy nghìn năm trường cửu
Lẽ nào đâu khuất phục lũ sài lang ?
Lời Hịch đã rền vang
Quyện Hồn Thiêng Sông Núi.
Hãy ngẩng đầu cao, chuyển xoay hận tủi
Thành cuồng phong, chung Đại Khối Toàn Dân.
Giành lại non sống, dù phải hiến thân
Vì Đại Nghĩa, tâm nguyền chung cứu Nước.
Đá phải mềm vì chân Ta cứng bước
Và đời Ta nguyên thủy vẫn lòng son.
Trời Phương Nam, đất Việt phải còn
Đến muôn nghìn năm nữa !
Lời Hịch hôm nay, tiếng vang thành lửa
Đang soi đường dẫn hướng Ta đi.
Đòi lại quê hương, thoát cảnh suy vi
Dân Tộc Việt, trời phương Nam : - Tự Chủ !

*           
Võ Đại Tôn



Thursday, December 9, 2010

ĐÔNG MIÊN



Tháng 12! Đông khép vòng nhật nguyệt 
Thêm một mùa luân lạc chốn tha phương!
Thấm thoát đã qua bao lần sương tuyết
Gót lữ hành khua mòn mỏi dặm trường.

Đời không chỉ là thăng trầm ...cơm áo
Qua bao năm còn chồng chất nghiệt oan
Khi trời đất còn dọc ngang mê lộ
Là bóng quê còn xa thẳm bạt ngàn.

Tần ngần đếm phiên buồn đời cô lữ
Đêm chắt chiu từng cơn lạnh heo may
Những thoáng nhớ chợt buông lời tình tự
Cho sầu vương trên ngàn nỗi u hoài.

Gío thì thào, lạnh tràn đêm vô lượng
Trong cô phòng nhật ký trải niềm thương
Ngàn dặm xa về ươm vùng mộng tưởng
Thả sương rơi vào giọt đắng hồ trường.

Mộng viễn vông lạc vào mùa canh thức
Sương trắng trời Tây. Đông thắp nắng đầy
Vẫn biết trường giang xuôi giòng biệt xứ
Mà vẫn mong chim Lạc ngược đường bay!

Tháng 12! Thắp tinh cầu vời vợi
Đen một màu hiu quạnh chốn tha phương
Chập chờn giữa điệp trùng bóng tối
Là đông miên niệm tấu khúc hoài hương.


Send a Greeting Card
Retrieving an E-Card?


Enter Card Pick-up ID below:

Get your Free E-cardsby bravenet.com
HUY VĂN

Tuesday, December 7, 2010

SÔNG-CON VỀ BIỂN-MẸ

                                 
Cuối đời dòng Sông-Con
Vẫn mong về Biển-Mẹ.
Đời lưu vong chiêm bao hằng ru khẽ
Lời ca dao qua dâu bể muôn trùng.
Mẹ đi ngàn dặm lao lung
Gánh con bao nẻo chập chùng nước non.
Chân đau đá núi đã mòn
Nghìn năm thơm Sử vì con dãi dầu.
Mẹ đến từ đâu ?
Động Đình hoang dã.
Dấu chân Giao Chỉ hằn sâu vết đá
Nuôi con dựng Nước trời Nam.
Sỏi đá cằn khô bừng ngát hương trầm
Từng khe núi vươn mầm thơm lúa mới.
Mặt trời phương Đông vàng son chiếu rọi
Luống cày sâu dựng cõi xây bờ.
Dạy con từ thuở còn thơ
Lớn lên đừng quên giống Việt.
Một nghìn năm bền gan tuế nguyệt
Mẹ còng lưng gánh gạo nuôi con.
Giữ nguyên đất nước vuông tròn
Dòng sữa Mẹ không pha màu tạp chủng.
Lời Mẹ ru giữa ầm vang tiếng súng
Tám mươi năm con vẫn ngẩng cao đầu.
Mẹ dẫn con đi, vượt lũy hào sâu
Trời kháng chiến đưa Thu vào lịch sử.
Bao rừng thiêng núi dữ
Thành hoa gấm quê hương
Mặt trời say bừng mọc ở Nam phương !

*
Nhưng rồi cảnh tang thương
Xẻ đôi tình của Mẹ.
Hai mươi năm có lẻ
Luống cày phơi vỏ đạn, đất cằn khô.
Máu xương con trong hoang lạnh nấm mồ
Trời khổ nạn, Mẹ ngồi ôm mặt khóc.
Một nửa đàn con đọa đày Dân Tộc
Quên nghĩa tình chung bọc Tiên Long.
Đất trời Nam suối máu tuôn dòng
Vung tay giết, thỏa tiếng cười Vô Sản.
Lũy tre nghèo trong hoang tàn lửa đạn
Đời quê hương chống nạng biết về đâu ?
Tháng Tư Đen trời tang trắng thảm sầu
Nghe máu khóc giữa cờ thâm đỏ máu.
Sóng trùng dương thành mồ sâu chôn gìấu
Bao đời con trong khổ nhục kinh hoàng.
Mẹ ngẩn ngơ tìm phương Bắc rừng hoang
Nơi con sống trong lưu đày mê sảng.
Vòng oan khiên kiếp nạn
Vây bủa đến ngày nay.
Góc công viên Mẹ vẫn bị còng tay
Khi khát vọng chỉ là mong được sống.
Giữa màn đêm bên nhà cao cửa rộng
Mẹ nằm co, mơ giấc ngủ bình yên.
Ác mộng triền miên, rên xiết gông xiềng,
Đơn khiếu kiện phơi bày trong sọt rác.
Văn Hiến chìm sâu, ngời cao đỉnh Ác
Mẹ trầm luân, thân vạc biết về đâu ?

*

Nhưng một ngày mai, hoa thắm muôn màu
Xuân sẽ đến, Toàn Dân vui trẩy hội.
Triệu dòng Sông-Con chảy về chung lối
Vào bao la Biển-Mẹ sóng tình say.
Ôm đàn con trong hai cánh tay gầy
Nghe tiếng hát bừng lên từ hoa cỏ.
Màu máu tươi cờ đỏ
Không còn phủ quê hương.
Đàn em thơ vui tiếng sáo sân trường
Bài học mới “Tình Người” thơm nét đẹp.
Trái tim Việt Nam không còn nung thành thép
Máu luân lưu trong Biển-Mẹ tươi hồng.
Lúa “Nàng Thơm” duyên dáng tỏa hương nồng
Bên đồng ruộng điệu hò chen vọng cổ.
Theo khói cơm chiều chim bay về tổ
Mẹ à ơi dìu vợi tiếng ru con.
Vành nón em che nửa mặt nghiêng tròn
Trăng hò hẹn bên cầu ao, giếng nước.
Từ bao nghìn năm trước
Sức mạnh của Lòng Dân
Khi vùng lên - Lịch Sử phải xoay vần
Bình minh đến rạng ngời Xuân Dân Tộc.
Trời quê hương sẽ không còn tiếng khóc
Mẹ mừng vui bên khóm trúc cười duyên.
Đến muôn đời Mẹ vẫn mãi là Tiên
Tình Biển rộng ôm ba miền Tổ Quốc.
Đường tương lai Xuân về thơm nẩy lộc
Núi sông này linh hiển mãi Hồn Thiêng.
Vườn Tự Do vươn quả ngọt Nhân Quyền
Cùng Nhân Loại giữ nguyên màu Thăng Tiến.
Hàng triệu lòng Dân chung lời Tâm Nguyện
Giữ Xuân hồng tươi sáng mãi non sông,
Đời Sông-Con về Biển-Mẹ chung dòng.

        Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)




MÙA XUÂN HÀ NỘI


                                                           Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)

(Sa cơ tại Hạ Lào trên đường về quê hương tham gia Phục Quốc, bị chuyển từ Paksé về Hà Nội vào mùa Xuân năm 1981).

Một chiều Xuân
Tôi đã về Hà Nội
Thăng Long lịch sử ngày xưa.
Đôi tay bị còng, người ta khép tội
“Phản bội quê hương”, đi giữa trời mưa.
Thấp thoáng rong rêu hoang lạnh Tháp Rùa
Tôi chợt cảm tiếng lòng tôi rụng xuống
Hồ Gươm, lặng mờ.
Trong hồn tôi còn lại giấc mơ
Thơ về vỡ vụn
Kiếm vàng đâu ? - chưa nổi mặt hồ !.
Đâu nào Năm Cửa Ô
Chỉ thấy mờ trang sách.
Đâu Đống Đa một thời hiển hách
Mồ chôn giặc Bắc xâm lăng.
Hà Nội tôi mơ – muôn thuở vĩnh hằng
Từ tuổi nhỏ, qua từng trang sử cũ.
Đâu phải là đây, dưới chiều mưa rũ
Qua khung cửa xe tù.
Giữa phố mùa Xuân, đời chợt xuống hoang vu
Khi tôi thấy tượng đài Lê-Nin cao ngất.
Người là ai ? – Sao đứng trên vùng đất
Mấy nghìn năm linh hiển Vua Hùng ?
Dân Tộc còn đây, còn mãi đến Vô Cùng
Sao tôi cảm lạc loài như khách lạ ?
Hành tinh nào đây ? Lòng tôi hoang vắng quá
Đời lạnh xuống mồ côi.
Phố Khâm Thiên, dòng người lũ lượt, nổi trôi,
Áo lụa Hà Đông, tìm đâu, thuở trước ?
Nhịp phách ả-đào tôi từng mơ ước
Thay bằng tiếng thét loa vang.
Qua Tự Lực Văn Đoàn
Tôi từng mơ Hà Nội.
Đê Yên Phụ chiều nay gió nổi
Sông Hồng cuốn mộng phăng đi.
Tiếng nói Em xưa chín ngọt tình si
Sao đổi giọng chuyển âm đầy sát khí ?
Đông Đô – Thăng Long trời mơ thi vị
Thủ Đô nào còn lại của riêng tôi ?

*
Quay lại xà lim trong bóng tối cuộc đời
Hơn mười năm tôi còn mơ Hà Nội.
Xuân không về, cửa phòng giam chắn lối
Song sắt thành chông, ngập máu Xuân đi.
Tôi chỉ thấy mùa Đông qua bốn vách đen sì
Đâu có phải Hàng Đào, Hàng Khay hay Hàng Trống !
Em đã về đâu, những nàng Xuân thắm mộng
“Dáng Kiều thơm” Quang Dũng mấy lần mơ ?
Tôi viết lên tường, giọt máu thành thơ
Gửi về Em, chẳng bao giờ gặp nữa.
Tưởng xa rồi khói lửa
Trường chinh Mẹ dắt con qua.
Còn lại đây những đôi mắt mù lòa
Không thấy mùa Xuân vì say máu đỏ.
Nhưng quê hương còn đó
Tôi xin hẹn mai về
Góp một bàn tay dựng lại Tình Quê
Trồng hoa giữa lòng Hà Nội.
Ánh sáng Tự Do vào sâu ngõ tối
Xóa tan đi bao vết tích lao tù.
Văn Miếu trùng tu
Đền Hùng tráng lệ.
Rồng lại bay cao, tung hoành, ngạo nghễ
Cùng năm Châu lướt gió băng ngàn.
Năm Cửa Ô bừng tỉnh đón Xuân sang
Kiều e lệ vội vàng trang điểm lại.
Đào nở hồng tươi, làn hoa gió rải,
Mặt trời soi xuyên suốt ánh hồ.
Nón vành Kinh Bắc trẩy hội thành đô
Ai quan họ mắt tình lơi ngây ngất.
Tôi sẽ trao Em một đời trăng mật
Tim Con Người cũng nở thành hoa.
Trời thủ đô nắng ấm chan hòa
Ta ngẩng mặt đón mừng Xuân Dân Tộc.

                                    Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
                                   
( Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội – dáng Kiều thơm.)
Tây Tiến – Thơ Quang Dũng

LÚC PHÂN VÂN


Xưa chinh chiến vốn mang hồn bất sá
Đường chông gai mà bước chẳng ngại ngần
Nay yên ấm sao rụt rè chí cả
Nhìn cảnh đời trôi xấp ngửa, lần khân!

Có phải vì mang phận hèn, thân nhục
Nên cùn mằn nơi xứ lạ, người dưng?
Hay chỉ vì nhánh đời chia mấy khúc
Nên tháng năm cứ trì trệ...lừng khừng?

Đem buồn vui vào tiếng chì, tiếng bấc
Của nhịp đời chìm nổi giữa phế hưng
Để dư âm của binh tàn, nước mất
Vẫn triền miên vang vọng đến vô chừng!

Thương quá! Những tim hồng mang nhiệt huyết
Nhớ làm sao! Sắc áo với màu cờ
Xưa ngậm ngùi nhìn non sông tận tuyệt
Nay vẫn là chim quốc gọi nguồn mơ.

Nợ xương máu chất chồng theo ngày tháng
Câu hẹn thề còn vọng mãi hoài âm
Bao nhiêu năm mỏi mòn vì quốc nạn
Quê hương ơi! Đây một nỗi đau thầm.

Thắp ngọn đuốc soi bóng mù viễn xứ
Cho sáng hồn khi chao đảo, phân vân
Ta: bèo bọt đang xuôi dòng lữ thứ
Mang lòng son đặt trên bước thăng trầm!

Đã thấp thoáng ráng trời, hoàng hôn tím
Nên cũng đành cương lỏng, vó câu lơi
Thời gian ơi! Hãy ngược vòng xoay chuyển
Cho hoa niên lần nữa điểm tô đời.

HUY VĂN




TÌNH GỬI TỪ TRÊN ĐÔI CÁNH SẮT


Tôi đến tìm Em ngày chớm hạ
Vai nặng hành trang, tim nặng tình
Ngâp ngừng muốn nói câu từ giã
Ngại làm nắng úa lúc bình minh.

Lời yêu thầm nói trong thinh lặng
Để giấc hoàng lan vẫn dịu êm
Tầm xuân đang hé cười trong nắng
Sao hồn như lá úa bên thềm?!

Em mộng mơ gì trong giấc ngủ
Có biết ngày vui ánh mai hồng
Có thấy tình hoa đang hé nụ
Trong tiếng hoan ca buổi hừng đông?!

Đường mây rồi sẽ chia vạn dặm
Một tiếng yêu còn đọng trên môi
Em đang say giấc trong mộng thắm
Có biết sầu đang dậy khôn nguôi?!

Ước gì Em hiểu được lòng tôi
Mong sao ngày tháng hãy ngừng trôi
Cho tia nắng ấm hôn làn tóc
Tô thắm tình tôi dẫu không lời.

Ước gì Em đến bên tôi nhỉ?!
Để tim rung mãi nhịp nồng say
Mai này trên bước đường thiên lý
Có mảnh tình tôi nối đêm ngày.

Tôi sẽ nói thầm câu tạm biệt
Vì vẫn còn đây nỗi hoài mong
Chia tay đâu phải là vĩnh quyết
Nên lời yêu dấu tận đáy lòng.

Dù cách phương trời, xa vạn dặm
Hồn sẽ tung trời, vượt cánh mây
Để ngày mai đẹp màu nắng ấm
Tìm đến bên Em nối tình đầy.

Tình gửi từ trên đôi cánh sắt
Yêu thương trải nhớ, vượt sơn khê
Ơi Em xin hẹn mùa trăng mật
Tay nắm bàn tay nói hẹn thề.

HUY VĂN
( Lấy ý từ  Leaving on a Jet Plane - John Denver )