Saturday, November 28, 2009

Thanksgiving 2009 / Thieu Ta Le Huu Cuong


THIẾU TÁ ÐỘC CƯỚC LÊ HỮU CƯƠNG
Câu chuyện sau cùng xin nói về người tù cải tạo Lê Hữu Cương, khóa 16 võ bị Ðà Lạt, quận trưởng Củ Chi. Số là ngay từ đầu năm 1985 tình cờ chúng tôi gặp được một anh phóng viên Hoa Kỳ tặng cho video tape quay phóng sự Saigon từ 1984, trong đó có những đoạn hết sức đặc biệt. Câu chuyện một phi công cựu tù, mới được tự do có mở tiệm bán đồ nhậu tại Saigon. Ðối thoại bằng Anh ngữ. Xin hãy tưởng tượng lúc đó là năm 1985, chúng tôi coi phim mà lòng dạ nôn nao. Xúc động dâng lên khóe mắt. Anh em cùng ngồi xem mà mặt mũi ai nấy hết sức căng thẳng. Cho đến nay chúng tôi vẫn không biết anh phi công này là ai.

Thiếu tá Lê Hữu Cương, khóa 16 Võ bị Dalat, Quận trưởng Củ Chi.Hình do IRCC cung cấp
Một đoạn khác, quay tại trại tù Z,23D tại Hàm Tân. Trại tù khang trang sạch sẽ và rất ít người. Ai mà chẳng biết là cộng sản đã cho dọn dẹp và lùa tù đi làm, chỉ còn lại cả trại trống vắng. Phóng viên quay phim và anh chàng làm phóng sự đi cùng một thông dịch viên. Ban văn nghệ của trại được giới thiệu hát một bài. Khán giả duy nhất là anh phóng viên Mỹ. Nhạc trưởng là ca sĩ chính nét mặt hết sức đau khổ và cam chịu. Ông trả lời cấp bậc là thiếu tá, đã ở trại này nhiều năm. Dường như cũng từ Nam Hà chuyển về. Một đoạn khác là cảnh tù “cải tạo” được vợ con lên thăm. Xin lưu ý đây là thời điểm của năm 1984 ở trại tù miền Nam và cảnh này được trình diễn cho báo Mỹ quay phim. Tuy nhiên nếu lưu ý vẫn nhìn ra được những nỗi đoạn trường. Sau cùng, chúng tôi được xem đoạn phim đặc biệt. Một tù cải tạo cụt chân ngồi cầm cặp mắt kiếng. Mắt anh rất sáng và dáng ngồi bình thản. Gần như bất chợt, anh phóng viên hỏi bằng anh ngữ và người tù trả lời trực tiếp cũng bằng anh ngữ. Anh cấp bậc gì? Thiếu tá. Anh có đủ ăn không? Có được ăn, nhưng biết thế nào là đủ. Người tù hỏi ngược lại? Phóng viên Mỹ nói: Có phải người công an này đứng đây nên anh không trả lời? (Ðến đây phóng viên ra hiệu yêu cầu quản giáo đi ra). Không đủ ăn phải không ? Not enough? Trả lời, Yes, not enough. Anh có điều gì nhắn gởi với tổng thống Reagan không? Tôi muốn được tự do. Tôi muốn rằng thế giới tự do cứu chúng tôi. Cho chúng tôi được tự do càng sớm càng tốt. Máy quay phim chiếu xuống bàn tay cầm mắt kiếng. Rồi chiếu lên khuôn mặt người tù với ánh mắt ngời sáng như ánh thép trong ngục tù. Chúng tôi bị ánh mắt này theo đuổi trong nhiều năm. Suốt 20 năm, từ 1985 đến 2005 đã có ý hỏi thăm về người thiếu tá cụt chân này là ai, còn sống hay đã chết. Năm 2005 Asia quay video tại Hoa Thịnh Ðốn kỷ niệm 30 năm biệt xứ, chúng tôi có cơ hội giới thiệu dự án viện Bảo Tàng và đồng thời có chiếu đoạn phim này trong phần tài liệu. Tiếc thay, dù đã có hàng chục ngàn khán giả nhưng vẫn không ai nhận ra người tù bất khuất. Mãi đến năm 2007 vừa qua, chúng tôi tìm được tin tức thì nhân chứng không còn nữa. Người đó là thiếu tá Lê Hữu Cương, khóa 16 võ bị, mới ra trường đã bị thương với cấp bậc trung úy. Anh bị cưa một chân nhưng tiếp tục tại ngũ. Tốt nghiệp chỉ huy tham mưu và học xong lớp quân chánh thì về làm quận trưởng Củ Chi. Ông là một trong số rất hiếm hoi các sỹ quan cấp tá, mất một chân mà vẫn còn làm chi khu trưởng tại vùng đất dữ nhất của miền Ðông Nam phần. Sau 1975 ông đã bị tù, giải ra Bắc, rồi đưa về miền Nam và tình cờ gặp phóng viên Mỹ tại Hàm Tân. Thiếu tá Cương HO đến Hoa Kỳ đúng ngày 4/7/1991 và cư ngụ tại Orange County. Trong suốt thời gian dài trên 10 năm sống tại miền Nam Cali, Lê Hữu Cương đã sinh hoạt với giới văn nghệ, báo chí, nhưng chính ông và anh em cũng chẳng ai được xem đoạn phim quay trong tù mà ông đóng vai chính. Năm 2000, Lê Hữu Cương viết hồi ký về cuộc đời có kể lại đoạn được hỏi chuyện trong tù bởi phái đoàn Mỹ. Trong cuốn tự chuyện này, chúng tôi mới được đọc qua đã thấy được hai điều phải ghi lại, Lê Hữu Cương sinh trưởng tại Huế và đã gặp thảm kịch đau thương khi mẹ và ba em gái của ông bị cộng sản giết trong kỳ Mậu Thân. Câu chuyện thứ hai cần phải ghi lại là tinh thần tương trợ hết sức hào hùng của các cựu sinh viên sỹ quan Ðà Lạt khóa 16 thể hiện trong tù đã giúp cho Lê Hữu Cương, dù chỉ có một chân đã sống còn. Nhưng tiếc thay khi bộ phim Asia phổ biến năm 2005 thì sau đó chúng tôi cũng đã được tin Lê Hữu Cương đã qua đời tại Miền Nam California. Nhân chứng của một trang sử HO không còn nữa. (GC/SJ)

Ðó là lý do chúng tôi viết bài này phổ biến trên báo, đọc bài này trên các chương trình phát thanh và ghi lại các hình ảnh có được trên DVD phát hành ngày quân lực tháng 6 năm 2009.
Xin hãy đọc báo, xin hãy xem hình, xin hãy nghe radio, xin hãy đón coi DVD để thấy rằng lịch sử đã được gom lại như thế nào? Phải được thu hồi như thế nào? Cần được tập trung như thế nào? Trước khi di sản mai một và nhân chứng không còn nữa.

Xin hãy liên lạc về IRCC, Inc. số 1445 Koll Circle, suite 110, San Jose, CA 95112. Tel: 408-392 9923
để có được đoạn phim đối thoại hào hùng duy nhất trong tù của thiếu tá độc cước Lê Hữu Cương, người nhân chứng không còn nữa. Bộ DVD “Chân dung người lính VNCH” của viện Bảo tàng Việt Nam còn có hình ảnh người phi công ngồi hát bản tình ca trên hè phố Sài Gòn ngay từ 1984. Người vợ thăm chồng “cải tạo”, ông nhạc trưởng của ban văn nghệ Hàm Tân ca vang bản nhạc vui với bộ mặt sầu thảm như dao cắt trong lòng. Và sau cùng là hình ảnh người lính vô danh của sư đoàn 3 bộ binh tiêu biểu cho danh hiệu “Can trường trong chiến bại”.

Xin hãy cùng chúng tôi lên đường đi tìm nhân chứng cho thiên anh hùng ca của QLVNCH sau thángTư 1975.


XIN ĐƯỢC CÁM ƠN NGƯỜI

Xin cám ơn những tấm lòng quảng đại
Đã rộng tay đón nhận kẻ khốn cùng
Lại bắt đầu trên mảnh đất tạm dung
Cho mầm sống tái sinh trong đời mới.

Đành là phải hướng lòng theo bước tới
Nhưng vẫn còn cay đắng mối thương tâm
Đang râm rang nỗi nhớ rất âm thầm
Của năm tháng, bể dâu mùa quốc nạn.

Xin cám ơn máu xương thời khinh mạng
Đã bao năm vun xới đất Ông Cha
Máu liệt oanh của trang sử Cộng Hòa
Làm thành lũy ngăn cuồng lưu hồng thủy.

Thân viễn xứ mà hồn nơi cố lý
Núi sông ơi! Đây mấy cõi quan hoài
Ký ức nào còn mang nặng trần ai
Của một thuở đẹp giày saut, áo trận.

Xin cám ơn những đắng cay định phận
Nuôi hùng tâm dẫu nước mất nhà tan
Thân ngục tù, hồn vẫn thênh thang
Thả mơ ước vào khung trời hy vọng.

Cám ơn Người hy sinh cho tôi sống
Dù lất lây trong nghịch cảnh oan khiên
Cám ơn Anh: gương bất khuất, trung kiên
Của kẻ sĩ giữa muôn trùng khổ nhục.

Gom một thoáng hương thừa hạnh phúc
Thành nến hong tâm thức lúc chiêm bao
Xin cám ơn những xương trắng máu đào
Đã tô thắm thời " cổ lai chinh chiến "

Tận đáy lòng mãi vang lời ước nguyện
Nhìn trời quê rực rỡ ánh hồng tươi
Mùa Tạ Ơn xin được cám ơn Người
Nay viễn xứ hẹn ngày mai quang phục.

HUY VĂN
26-11-2009
( Cảm hứng từ đoạn video có hình ảnh của
Thiếu Tá Lê Hữu Cương Khóa 16 Võ Bị )


http://www.youtube. com/user/ toiacvietcong



Nhà văn Lê Hữu Cương giã từ cõi tạm
Friday, September 10, 2004

Westminster, CA.- Thứ Hai ngày 6 Tháng Chín năm 2004, Little Saigon bàng hoàng trước tin ông Lê Hữu Cương vừa giã từ bằng hữu ra đi lúc 2 giờ chiều. Cái chết của ông Lê Hữu Cương gợi buồn và xao xuyến cho nhiều người.

Ông Cương xuất thân khóa 16 trường Võ Bị Ðà Lạt, là một con người văn võ song toàn. Trong quân ngũ, ông Cương đi từ chức vụ thuần túy quân sự sang tới hành chánh. Chức vụ cao nhất của ông là Quận Trưởng Quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Dù ông đã mất một phần thân thể rất sớm, mang chân giả từ năm thiếu úy, không làm cản trở bước đường công danh mà ông Cương vẫn kiên trì đeo đuổi. Ông được mệnh danh là vị quận trưởng “nhiệt tâm” đối với công tác bình định quận Củ Chi.

Sau năm 1975, Lê Hữu Cương bị cầm tù cải tạo suốt 13 năm. Một mảnh đời binh nghiệp của ông đã được chính Lê Hữu Cương viết trong cuốn sách “Khúc Quành Ðịnh Mệnh”, xuất bản năm 2000. Tác phẩm thứ hai “Hồn Văn Mệnh Sử” gần hoàn tất thì ông Lê Hữu Cương đã quyết định bỏ cuộc chơi, để lại nhiều tiếc thương. Cái chết của Lê Hữu Cương gây xôn xao trong giới giang hồ, cũng như làm đau lòng cho nhiều người trong thân tộc.

Chúng tôi góp nhặt từng mảnh vụn ngày cuối của Lê Hữu Cương và chia sẻ cùng độc giả như sau:

Ông Nguyễn Công Nghi ở Pomona nhận được điện thoại lúc 5:45 AM. Ðầu dây bên kia là Lê Hữu Cương. Ông Cương nói vừa bỏ thùng gởi cho ông Nghi một lá thơ dài và đầy đủ chi tiết đến các bạn. Gạn hỏi chuyện gì Cương cũng không nói thêm, chỉ cho biết là ông sẽ đi xa. Khi nhận được thơ các bạn sẽ biết rõ hơn.

Ông Trần Minh Huyên ở Westminster nhận coup điện thoại, lúc 6 giờ sáng Thứ Hai 6 Tháng Chín. Bằng giọng rất bình tĩnh, ông Cương nói, trong vòng một giờ đồng hồ nữa thì ông sẽ không còn nữa. Ông muốn mượn coup điện thoại cuối cùng này để gởi lời tạm biệt đến tất cả anh em. Nghe giọng rất cương quyết và bình thản, ông Huyên biết Cương không đùa và cũng không có vẻ bối rối. Ông Huyên khuyên bạn hãy bình tĩnh, đừng làm gì vội vã trong khi đang có chuyện buồn. Ông Cương quả quyết điều ông làm có chuẩn bị và hiện giờ ông rất bình tĩnh. Nói xong Lê Hữu Cương cúp máy và đường dây điện thoại ấy cũng cắt luôn từ đấy. Không còn cách nào để níu kéo bạn, ông Huyên tức khắc báo cho các người bạn khác.

Từ hoang mang tới hoảng hốt, ông Huyên báo cho cảnh sát nơi ông Cương cư ngụ, với hy vọng cảnh sát ngăn chặn kịp. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ông Huyên gọi lại sở cảnh sát, ông bàng hoàng hay tin Lê Hữu Cương đã tự thiêu tại nhà ở Los Angeles. Sở Cứu Hỏa đã tới dập tắt ngọn lửa. Ông Cương bị phỏng cháy bằng xăng đến 80%. Tới bệnh viện cấp cứu nhưng lúc 2 giờ chiều ngày 6 Tháng Chín thì Lê Hữu Cương đã trút sạch nợ trần. Căn nhà ông cư ngụ cho đến 2 tuần trước, ở Los Angeles đã bị cháy đến 75%. Cảnh sát và sở cứu hỏa niêm phong đống tro tàn để điều tra thêm chi tiết.

Bằng hữu của Lê Hữu Cương rất xúc động trước tin bạn bỏ cuộc chơi. Ðồng môn võ bị họp mặt, chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tay việc chung sự. Bạn giang hồ như Nguyễn Công Nghi, Trần Minh Huyên, Hoàng Sỹ, Nguyễn Chí Hòa, Phạm Trọng Phúc liên tục gọi điện thoại cho bà Phạm Thị Tuyết, vợ Lê Hữu Cương, nhưng điện thoại đã cháy theo căn nhà nên không có phương tiện nào khác liên lạc với bà Tuyết.

Ông Cương có ba người con với bà vợ trước, các cháu được tin dữ, có liên lạc với sở cảnh sát để lập thủ tục lãnh xác ông về mai táng, nhưng thủ tục chưa hoàn tất.

Vài người bạn cho biết Lê Hữu Cương đã rời căn nhà ở Los Angeles gần 2 tuần, dọn về ở trọ trong một căn phòng ở Little Saigon. Sáng Thứ Tư ngày 8 Tháng Chín ông Huyên gọi tôi đến quan sát căn phòng trọ của Cương, để nhận lại những di vật của ông. Căn phòng nhỏ ông share chỉ có một tấm nệm làm chỗ ngủ dưới sàn, một cái bàn làm việc và ít đồ dùng lặt vặt. Vào căn phòng này chúng tôi mới hay ý định bỏ cuộc của Cương đã có từ lúc rời nhà xuống đây.

Một tấm hình thân mẫu Lê Hữu Cương. Trên bàn có nhiều mẩu giấy ghi note cho bà Tuyết, chủ nhà và các bạn khác. Một mẩu giấy ghi:

“Tuyết em,

Anh đã mang biếu bộ computer và chiếc TV cho bạn anh rồi kể cả chiếc máy Sony (Radio-Cassette). Viết để em khỏi thắc mắc về một số đồ làm việc của anh đã không còn ở đây nữa. Anh Lê Hữu Cương. Sept - 04”.

Trên tờ giấy khác ông Cương viết cho chủ nhà:

Mọi vật dụng của anh Lê Hữu Cương trong phòng này, nhờ em trao lại cho vợ anh là bà P.T. Tuyết, số nhà XXX, điện thoại... Los Angeles

Trường hợp vợ tôi là Tuyết không đến nhận thì hai cháu trao lại cho ông Trần Minh Huyên hoặc ông Nguyễn Công Nghi, điện thoại số...

Chào từ biệt hai cháu về sự ra đi đột ngột của chú.

Trên trang lịch bóc, ngày 6 Tháng Chín, có viết hàng chữ đậm “RA ÐI MUÔN THUỞ”.

Ông Hoàng Sỹ, bạn Lê Hữu Cương, cho biết, tại quán Café Factory, sáng Chủ Nhật ngày 4 Tháng Chín, Cương khoe đã dọn xuống Little Saigon và rất tiếc chưa hoàn tất cuốn sách thứ hai. Cương nói, sáng Thứ Hai sẽ mang một ít đồ về trả cho bà Tuyết và có thể phải đi xa.

Hai ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật Lê Hữu Cương vẫn vui vẻ chuyện trò với chúng tôi ngoài Café Factory. Nguyễn Chí Hòa ngồi với tôi tại bàn bên cạnh thì Cương ngoắc ra ngoài nói chuyện riêng. Lê Hữu Cương ngập ngừng không nói hết câu, rồi xin số điện thoại của Hòa để gọi cho anh sau. Cương có gọi điện thoại cho Nguyễn Chí Hòa nhưng gọi về số nhà cũ, con gái của Hòa nói bác Cương nhắn, nhưng lúc ấy Cương đã cháy.

Người nôn nóng hơn cả là ông Nguyễn Công Nghi, ngóng lá thơ của Lê Hữu Cương từng giờ từng phút. Ông biết thơ vẫn phát vào buổi xế chiều, nhưng từ trưa ông Nghi không ra khỏi nhà, ngồi chờ lá thơ cuối cùng của bạn Lê Hữu Cương. Ðúng 3 giờ 45 phút người phát thơ tới, ông Nghi bay ra chộp lấy. Nỗi xúc động kèm theo sự hồi hộp, ông Nghi vừa xé thư vừa rươm rướm nước mắt.

Nét chữ đều và bình tĩnh (xin xem phóng ảnh một vài đoạn):

9/3/04 Westminster

Bạn Nguyễn Công Nghị và các bạn Huyên, Sỹ, Chí Hòa, Phúc, Ð.B. Huy, P.X. Tập, Trần Văn Ngọc cùng toàn thể những bạn bè quen biết xưa nay. Các anh Ðặng Ðức Thắng, V.L. Mai, Rồng cùng toàn thể các đàn anh quý trọng xưa nay - Các bạn khóa 16/ TVBQGVN kính mến.

Lá thư tuyệt mạng này sẽ đến với các bạn, các anh như một lời tạ từ miên viễn của Lê Hữu Cương trước khi đi về bên kia thế giới - Tôi chọn con đường ra đi mất dạng bằng lửa đốt - Thân xác hóa thành tro than như Chúa đã nói “Bụi cát sẽ trở về với cát bụi” - Con đường tôi chọn để trở về là lửa - Bởi thân xác tôi đến nay nhuốm đầy căn bệnh khó chữa - Bởi tôi cô đơn, bởi tôi muốn như thế - Sống thêm một vài năm đầy bệnh hoạn nào có ích gì, thà chết đi cho khỏi phải đau đớn về cả hai mặt tinh thần thể xác và vật chất - Ðời này sự sống thì rất quý, tôi thấu triệt điều đó, nhưng sự chịu đựng của tôi đã quá hạn kỳ - Tôi cụt chân chịu đựng suốt 42 năm trời - Tôi ở tù gần 13 năm, người cộng sản làm khổ tôi nhiều lắm.- Tôi đui hai con mắt, mổ rồi nhưng không hoàn hảo, tôi rụng hết răng không còn ăn ngon, tôi điếc hai tai không còn nghe thấy, ruột tôi bị bướu ung thư, bao tử tôi bị loét bầy nhầy, mạch tim tôi lúc ngừng lúc đập, da thịt tôi mỗi ngày càng thâm đen đi đến chỗ dị hình dị tướng - Sống thêm nữa để làm gì khi thân thể tôi đã có triệu chứng hủy diệt - Sống thêm để làm gì khi tinh thần tôi xuống tới vực thẳm u tối - Ðã biết được những điều trên một cách chính xác, thế tại sao không can đảm cưỡi lửa mà đi - Về bên kia thế giới biết là xa cách các anh, các bạn, nhưng tôi nghĩ là tôi sẽ được sống trong tâm khảm của bạn bè, đàn anh, đồng môn mãi mãi.

Tôi đã làm tròn trách nhiệm của một chiến sỹ giữ nước - Tôi đã sống trọn vẹn với mọi người trong đầy ắp tình thương và sự kính trọng - Thế là đủ lắm rồi và cũng không mong gì hơn - Khi tôi chết bạn Nghi và các bạn nào còn yêu quý tôi, các đàn anh nào còn thương tôi hãy tiếp tay với vợ tôi là P.T. Tuyết, địa chỉ XXX, điện thoại (tòa soạn tự ý không nêu địa chỉ và điện thoại người còn sống), để chôn tôi trên nghĩa trang đồi hồng mà vợ tôi đã mua lỗ huyệt sẵn rồi. Nếu có hao tốn tiền bạc nhờ bạn Nghi, bạn Ngọc, Bạn Sỹ, bạn Huyên, bạn Hòa, bạn Khôi, bạn Thiên quyên góp kẻ nhiều người ít để tiếp tay với vợ tôi chôn tôi.

Tôi xác nhận để mọi người khỏi nghi ngờ về vợ tôi là P.T. Tuyết, người tài giỏi, một trợ tá đắc lực của tôi trong sự nghiệp văn chương, văn học, mà tôi đã và đang dự tính thực hiện trong quá khứ và cho tương lai. Tuyết rất tốt với tôi nhưng tôi bệnh quá, đủ thứ bệnh nên tôi phải tự xa vợ tôi có thế thôi. Tôi không muốn nói nhiều hơn nữa và chỉ xin các bạn, đàn anh hãy đối xử tốt với Tuyết, bởi Tuyết đã đối xử rất tốt đối với tôi khi đang còn sống bên nhau - Có thế thôi.

(Phần còn lại của lá thơ tuyệt mệnh là những lời nhắn gởi về những việc làm mà Lê Hữu Cương chưa hoàn tất.)

Kính chào trong tương kính,

Lê Hữu Cương.

Lá thơ tuyệt mạng Lê Hữu Cương viết, đề ngày 3 Tháng Chín, sau đó anh vẫn ra quán Café Factory với bạn hữu hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, bàn chuyện văn hóa nghệ thuật với các bạn. Ðến sáng Thứ Hai ngày 6 Tháng Chín, Lê Hữu Cương mới đem thơ đi gởi cho ông Nguyễn Công Nghi và gọi điện thoại từ giã ông Trần Minh Huyên.

Lê Hữu Cương quả thật là một người gan lỳ, anh có 96 tiếng đồng hồ để thay đổi tư tưởng, nhưng quyết định ấy anh đã giữ và thi hành đúng như lá thư tuyệt mệnh gởi cho bằng hữu.

Lá thơ được sao chép ra hàng trăm bản chuyền tay nhau ở nhiều quán cà phê. Người nào cũng xin một bản để bùi ngùi thương cho phần số của bạn Lê Hữu Cương. Căn cứ theo lá thư và mọi sự được chuẩn bị cho chuyến đi rất chu đáo và hoàn toàn bình tĩnh. Bạn chúng ta đã ra đi với sự toan tính đầy lý trí chứ không vì bốc đồng hay phẫn nộ nhất thời.

Trước sự ra đi của Lê Hữu Cương, bằng hữu tiếc thương ông nhiều lắm. Tất cả đều muốn chia sẻ một chút gánh nặng, một phần xót xa cho thân phận người bạn xấu số. Sinh thời ông Lê Hữu Cương sống rất hùng và chí tình với anh em, khi chết ông vẫn chứng tỏ rất can đảm, do đó ông rất xứng đáng để có một đám tang trong thâm tình.

Tất cả bằng hữu đều nóng lòng muốn biết tang gia sẽ chuẩn bị buổi tiễn đưa anh Cương ra sao, tất cả đều muốn có cơ hội tiễn chân anh lần cuối. Chúng tôi biết giờ này chị Tuyết rất bối rối và có nhiều điều phải lo liệu. Vì không còn phương tiện liên lạc với chị Cương chúng tôi mong chị hãy chia sẻ cho anh em bạn hữu của Cương để cùng nhau làm một tang lễ tiễn chân anh cho ấm lòng người đi. Trong thơ tuyệt mạng anh Lê Hữu Cương đã nhắn gởi chúng tôi tiếp tay với chị, do đó xin chị đừng ngần ngại liên lạc với một trong số anh em chúng tôi: Nguyễn Công Nghi số (714) 598-6994; Hoàng Sỹ (714) 493-9417; Nguyễn Chí Hòa (714) 655-8852; CNN (714) 448-9692 để chúng tôi được làm tròn bổn phận đối với người bạn vừa tự ý giã biệt.

Nguyện cầu hương hồn bạn ta tìm được cõi an nhàn hơn chờ ngày chúng ta sẽ cùng về hội tụ.

NGUYỄNGỌCHẤN, CNN

Friday, November 20, 2009

Đột Kích Đêm


Trăng đỏ máu, suối đen hơn đáy vực
Đêm chập chùng, bừng sáng hỏa châu soi
Cúi rạp mình như bò sát, nín hơi
Chờ thủ hiệu, hàng ngang cùng đột kích.

Dốc yên ngựa phân chia ta với địch
Cỏ tranh khô, tử khí át hương sim
Đêm phập phồng theo nhịp đập con tim
Giờ quyết tử. Trung Đội: " Xung phong! Sát! "

Mạng con người phút giây thành cỏ rác
Đêm thét gào, súng đạn nổ không ngơi
Chiếm mục tiêu, đêm long đất lỡ trời
Người hăng máu, núi đồi say khói lửa .

Rồi im lặng chợt về trên địa ngục
Đêm thâm u, dã thú nuốt con mồi
Bóng trăng nghiêng, hoa đăng nhạt sau đồi
Soi bãi chiến, rọi hố hầm đẫm máu .

Vuốt mắt bạn, gom xác thù, báo cáo
Vét chiến hào, chờ đơn vị bàn giao
Khói mắt cay, hay có ngấn lệ trào
Khi khoảnh khắc bỗng trở thành thiên cổ.

Lại suốt đêm giữa chiến trường gian khổ
Lính hành quân, đêm thức, sáng ngủ ngày
Chờ đến lượt bản thân mình " trúng số "
Buồn tang thương, vui sống sót hôm nay .


HUY VĂN

( Dãy Kỳ Vĩ, Đức Dục , Quảng Nam
Đường vào Nông Sơn tháng 7/ 1974 )